ảnh đẹp

KỲ DIỆU CỦA BÁT ĐOẠN CẨM

Posted Ngay 16 Thang 02 Nam 2009

Tưởng như cái họa tiền vận sẽ giúp Bảo Phúc an lành thời hậu vận, nhưng số phận có vẻ nghiệt ngã hơn với anh. Năm 2005, một buổi sáng tỉnh dậy, anh thấy một nửa thân mình bất động. Giống như đêm trước có cả trăm ông Hercule cùng nhào vào nện anh một trận nhừ tử. Đầu váng vất như đã uống cả trăm chai rượu trong người. Cơn bạo bệnh đã đánh úp anh vào một lúc không ngờ nhất. Bác sỹ nói, anh bị xuất huyết não. Cơ hội cho anh trở lại trạng thái bình thường chỉ giống như tia nắng mong manh...

Nhạc sĩ Bảo Phúc : Phúc- họa tùy duyên

 

Người đàn ông này làm nên giai điệu của gần 300 bộ phim Việt Nam. Tên anh gắn với phần phối khí 400 ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, người có thể chơi thành thạo 25 nhạc cụ dân tộc và có tài hội họa.

 Anh, lấy vẻ ngoài xù xì để giấu đi tâm hồn quá nhạy cảm, đôi mắt kính che đi một phần khiếm khuyết từ thuở nhỏ, nói rất ít về công việc nghệ thuật cũng như thiên chức nghệ sỹ. Sau hai cái họa lớn, cách nhau 30 năm, Bảo Phúc là người thấu hiểu rõ nhất giới hạn của sự sống. Giờ đây, mỗi ngày sống với anh là một ngày hiến tặng.

1. Trong những bài báo viết về anh, người ta thường tóm gọn thế này: "Bảo Phúc là đứa con của hoàng tộc. Ông nội anh là em ruột của vua Thành Thái, tước vị Tuyên hóa vương. Cha anh, nhạc sỹ Vĩnh Phan, vốn nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Còn nghệ sỹ Bích Liễu, mẹ anh, cũng từng là giọng ca chầu văn nổi tiếng của nhạc cung đình".

Thế nhưng, không phải ai cũng biết, Bảo Phúc gần như không được hưởng những tháng ngày nhung lụa. Biến cố gia đình đã khiến anh và cả cái gia đình đông con ấy phải gieo neo theo đời buôn thúng, bán bưng. Anh nhớ hoài cảnh mẹ anh đặt anh vào đôi quang gánh, quẩy theo dòng đời.

Anh cũng từng lớn lên, đi làm đủ nghề, bán báo dạo, dạy thuê, bán chè, bán bánh bột lọc. Gần như suốt thời thanh niên, anh đã đạp xe đi bán báo. Và cũng từ khi 6 tuổi đến nhiều năm sau này, anh lần lượt học các loại nhạc cụ dân tộc để được miễn quân dịch.

Vào đời trong cảnh huống cơ cực, và dường như đến tận lúc này, Bảo Phúc chưa bao giờ rời bỏ âm nhạc, cũng không biết làm gì khác ngoài âm nhạc. Ai đó nói, Bảo Phúc giàu nhờ âm nhạc. Giàu là khái niệm không tuyệt đối, nhưng quả là Bảo Phúc thuộc diện những nhạc sỹ "đắt show", nhạc phim, nhạc lễ hội, nhạc múa…

Và đó chính là cái "cần câu cơm" anh nuôi gia đình trong nhiều năm. Bảo Phúc làm việc chuyên cần tới mức anh có thể viết hòa âm 40 ca khúc trong một tháng. Và dường như, không có gì là không thể với người nhạc sỹ này. Âm nhạc, giống như khí trời, Bảo Phúc ngày nào cũng ngập tràn trong không khí ấy. Không mệt mỏi, không muộn phiền. Mãi vẫn còn thiếu. Nhiều vẫn còn chưa đủ…

2. Gia đình Bảo Phúc đông anh em, nhưng chỉ có anh và Bảo Chấn theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Có một sự thật, như một sự sắp đặt của số phận, dù rất tài năng, nhưng cả hai anh em họ đều rắc rối đến chuyện bản quyền tác phẩm.

Mọi sóng gió thì đã qua, thậm chí qua nhanh đến không ngờ, tài năng của anh em họ vẫn được chính những người trong giới thừa nhận và ngợi ca. Nhưng có thể, đó là một vết xước không dễ xóa trong ký ức mà họ buộc phải đối diện. Bảo Phúc nói, trong những ngày Bảo Chấn gặp nạn, anh thường có mặt bên cạnh.

Hai anh em im lặng, hút thuốc và uống trà. Anh chia sẻ với anh trai bằng sự kính trọng. Và những lúc anh buồn, Bảo Chấn cũng làm tương tự như vậy. Tính tình của hai anh em khác nhau, Bảo Chấn thường hàn huyên ở quán cà phê, còn Bảo Phúc thích lai rai ở quán nhậu.

Nhưng có những buổi sáng rảnh việc, hai anh em cùng bắt một chuyến xe lên vườn Thủ Đức hay Lái Thiêu, ăn sáng uống cà phê để nói về mọi việc. Cuộc sống của những người làm nghệ thuật, đôi khi công việc kéo đi theo sự mịt mùng của nó, mà ít khi có sự thảnh thơi để ngẫm ngợi lại cả chuyện nhà lẫn chuyện đời. Anh em họ đã ở cạnh nhau vào những giây phút khó khăn ập đến không ngờ. Và sự im lặng lại nói được nhiều điều hơn tất thảy.

3. Đời Bảo Phúc có hai cái họa lớn, mà toàn họa về sức khỏe. Năm 10 tuổi, anh bị ngã lầu, đứt 3 cơ mặt và con mắt trái của anh vĩnh viễn sống cùng bóng tối. Suốt thời tuổi dại, Bảo Phúc rơi vào trạng thái tủi phận, nỗi mặc cảm tật nguyền kéo theo anh đến khi anh bước lên bục giảng.

Bảo Phúc nói, cuộc sống khó khăn, cộng thêm sự khuyết hụt của bản thân, khiến anh hiếm khi tự tin. Nhưng rồi, một ngày anh chợt hiểu, không thể sống mãi trong vỏ bọc của sự yếu đuối. Anh đối diện trọn vẹn với những mất mát của mình, đi xuyên qua nó…

Dù phải làm việc bằng một con mắt, nhưng Bảo Phúc đã làm được nhiều việc giỏi hơn người khác. Anh nói, anh đã chơi bóng bàn bằng cảm giác nhiều hơn đôi mắt nhìn. Với phía tay trái, nơi con mắt không kịp linh hoạt để đuổi bắt trái bóng, anh dựa vào cảm giác của đôi tay và anh vẫn đón bóng chuẩn xác. Khi đi xe hơi, anh phải tập quen với chiếc gương chiếu hậu nhiều hơn, nhằm từ đó mà chỉnh hướng xe cho chuẩn xác.

Đến giờ, Bảo Phúc vẫn sống bằng một con mắt còn lại. "Nếu chữa trị, trước hết phải đi nối 3 cơ mặt, sẽ mất 150.000 USD. Và con mắt cũ đã bị lão hóa mất rồi. Hơn thế, mình thấy thoải mái rồi, nên không bỏ nhiều tiền như vậy làm gì nữa" - Bảo Phúc nói.--PageBreak--

Tưởng như cái họa tiền vận sẽ giúp Bảo Phúc an lành thời hậu vận, nhưng số phận có vẻ nghiệt ngã hơn với anh. Năm 2005, một buổi sáng tỉnh dậy, anh thấy một nửa thân mình bất động. Giống như đêm trước có cả trăm ông Hercule cùng nhào vào nện anh một trận nhừ tử.

Đầu váng vất như đã uống cả trăm chai rượu trong người. Cơn bạo bệnh đã đánh úp anh vào một lúc không ngờ nhất. Bác sỹ nói, anh bị xuất huyết não. Cơ hội cho anh trở lại trạng thái bình thường chỉ giống như tia nắng mong manh. Ấy là lúc, chỉ còn hơn một tuần nữa là các bản nhạc trong liveshow của nhạc sỹ Hồng Đăng phải được lên sàn tập.

Và cũng là lúc, các bộ phim anh viết nhạc bước vào giai đoạn hậu kỳ. Bệnh tật thả anh vào vòng tuyệt vọng. Dường như, chỉ trong chốc lát, người đàn ông tự tin đã rơi vào bể cay đắng mà đường ra đầy tăm tối. Vừa trị bệnh, anh vừa cố lết đến khuông nhạc, nhưng cứ cầm bút lên là đầu anh quay như chong chóng, những ngón tay nặng trĩu. Khi ấy, Bảo Phúc đã khóc. Những giọt nước mắt cay đắng của người không biết cách nào để cưỡng lại mệnh trời.

Sau một tuần, Bảo Phúc quyết định đi tìm thầy chữa thuốc đông y. Và hơn 100 thang thuốc đã giúp anh tỉnh lại, những ngón chân đã bắt đầu cử động được và niềm tin sống lại quay về. Trong những ngày ấy, người em nuôi của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (ông Trịnh Công Long) từ hải ngoại về đến ở nhà anh vài tháng.

Mỗi buổi sáng, Trịnh Công Long dạy cho Bảo Phúc môn Bát đoạn cẩm, xuất xứ từ trường phái Võ Đang (Trung Quốc). Bảo Phúc chia sẻ, tập Bát đoạn cẩm là tập cho khí huyết lưu thông, cơ thể dẻo dai và đẩy lùi bệnh tật. Nó đòi hỏi sự kiên trì lớn mà đôi khi anh đã nản lòng.

Nhưng cho đến một ngày, vì phải lên xuống liên tiếp 3 lần 3 tầng lầu, anh tưởng mình sẽ ngã quỵ, nhưng hai chân không mỏi và nhịp tim đập vẫn bình thường. Đó chính là điều kỳ diệu của khí công mà anh đã được biết tới.

Giờ mà hỏi Bảo Phúc về tác dụng chữa bệnh về võ công anh có thể chỉ dẫn tường tận: "Môn này giúp cho cột sống tránh được bệnh thoái hóa. Ngoài ra tác động vào ngũ tạng (tâm, can, tì, phế, thận) làm các cơ quan nội tạng tăng cường chức năng và duy trì hoạt động bền bỉ.

Hoạt động tuần hoàn tốt hơn và lượng oxy trong máu đầy đủ. Khi bị bệnh, tôi rất sợ Đà Lạt vì áp suất không khí loãng, nhưng vào dịp khi nhạc sỹ Từ Huy mất, tôi đã gồng mình… hiên ngang lên đó. Thế mới biết, không còn tình trạng ngộp và khó thở như lúc chưa tập luyện.

Sau lần đó tôi hiểu rằng mình đã thành công phần nào cùng khí công “Bát đoạn cẩm”. Điều quý giá nữa là ngoài những công năng đã nói thì “Bát đoạn cẩm” còn giúp cho tinh thần minh mẫn. Sức tập trung cao hơn và đầu óc sáng suốt hơn. Tác dụng điều hòa kinh mạch, thần kinh vững mạnh và lục phủ ngũ tạng tráng kiện là những kết quả mà khí công mang lại…" - Bảo Phúc chia sẻ.

Bảo Phúc cười, có vẻ như đời anh qua nhiều phen thập tử nhất sinh, đến lúc này thấy lòng bình an nhiều. Và sau những cú bệnh điếng người, anh mới nhận rõ hơn về tình bạn. Anh rộng lòng hơn với bè bạn, vì biết cái hữu hạn của cuộc sống và mọi bực dọc cũng từ đó mà nhẹ nhàng hơn.

4. Mỗi buổi sáng, Bảo Phúc thường dậy vào lúc 5h và bắt đầu buổi đạp xe lên Bình Dương, như một công việc bắt buộc để anh duy trì sức khỏe. Đạp xe về tới Sài Gòn lúc 7h sáng, anh bước vào một ngày làm việc không mỏi mệt.

Bảo Phúc nói, đến lúc này, phúc - họa tùy duyên, anh đón nhận cuộc sống trong tâm trạng thoải mái và vui vẻ. Anh đã được thần chết tha mạng tới hai lần, nên anh biết mình cần trân quý từng giây phút sống. Có những điều cuộc sống đã không dành cho anh. Nhưng đó không phải là điều đáng phiền muộn. Anh vẫn hào hứng đón nhận mọi sự, và đi chững chạc trên con đường âm nhạc của mình...

Toàn Nguyễn (báo CA nhân dân, 2004)
 
 

 

 

 

Bài viết mới nhất

  1. Hacked By Wuselaina
  2. Hacked By Wuselaina
  3. Hacked By Wuselaina
  4. wuselaina@gmail.com
HÃY ĐẾN VỚI KHÍ CÔNG ĐỂ CÓ SỰ TRƯỜNG THỌ VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA CUỘC SỐNG